Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Trinh tiết và đạo đức

Trinh tiết và đạo đức

Người phụ nữ bị phân biệt đối xử từ bàn tay của tạo hóa khi cấu tạo cơ thể họ có cái màng trinh mỏng manh. Cái màng trinh ấy như một hàng rào bảo vệ hữu hình, vừa gây ra những bi kịch mà người phụ nữ phải gánh chịu

Có thể nói rằng con người là một sản phẩm diệu kỳ của tạo hóa. Trong cấu tạo cơ thể của con người cũng có những đặc điểm kỳ diệu khác, trong đó có “cái ngàn vàng” của người phụ nữ – màng trinh.

Màng bảo vệ hay là sự bất công đối với phụ nữ?

 Ở đây chúng tôi chưa đề cập về màng trinh ở góc độ giải phẫu cơ thể học, chỉ đề cập đến góc độ xã hội – đạo đức. Ở góc độ đó, màng trinh giống như sự bảo vệ vô hình mà hữu hình, giúp người phụ nữ sống chừng mực, khó vượt qua giới hạn cho phép, để bảo vệ sự trong sạch của mình và chỉ trao nó cho người đàn ông đã là chồng mình. Không hiếm các tình tiết như trong tiểu thuyết, không ít trường hợp người con gái bật khóc sau khi đã đánh mất “cái ngàn vàng”. Đó là những giọt nước mắt âu lo, không biết người đàn ông đó sau khi “đã tỏ đường đi lối về”, có muốn lấy mình làm vợ hay không.

Cái màng bảo vệ vô hình mà hữu hình ấy vừa là hàng rào bảo vệ đạo đức (theo quan niệm truyền thống) vừa là nỗi khổ đau của người phụ nữ. Tạo hóa cũng thật “khắc nghiệt” với người phụ nữ, vì với người đàn ông lại không có gì làm dấu tích bảo vệ ấy! Và như thế, chỉ có người đàn ông mới được quyền phán xét người phụ nữ còn trinh hay mất trinh, co giao thao đặc biệt với những người đàn ông phương Đông. Do đó, người phụ nữ thường tự bảo vệ trinh tiết của mình, cho đến khi về nhà chồng. Không hiếm những bi kịch xảy ra sau đó, khi người chồng phát hiện vợ mình không còn con gái. Có người đàn ông ích kỷ tìm cách trả thù vợ vì đã đánh mất “cái ngàn vàng” bằng nhiều cách. Đó cũng là hình thức bạo hành gia đình, sự đày đọa tinh thần cũng như thể xác bất công mà người phụ nữ phải hứng chịu. Hầu như nhiều người đàn ông không dễ chấp nhận sự mất mát đó, dù người vợ có thể bị mất trinh khi lao động nặng nhọc, do tập thể dục thể thao nặng, do bị lạm dụng tình dục khi còn bé, và cả do cấu tạo của cơ thể (màng trinh mỏng tang hoặc co dãn...).

Có phải “cái ngàn vàng”?

 Không thể phủ nhận sự trinh tiết của người phụ nữ là đáng quý trọng nhưng sự trinh tiết theo quan niệm người phụ nữ phải còn trinh nguyên khi về nhà chồng, cần được xem xét lại. Đạo đức, nhân cách của phụ nữ không thể chỉ được đánh giá qua cái màng trinh có tính chất sinh học, mà phải được đánh giá qua đức tính, lòng chung thủy của người phụ nữ. Không hiếm những phụ nữ trinh nguyên khi về nhà chồng, nhưng lại lăng loàn sau đó, thì sự trinh tiết ấy chẳng có ý nghĩa gì.

Người đàn ông vốn tham lam và ích kỷ. Không hiếm người tìm mọi cách đi mua trinh để “xả xui”, như trường hợp của ông Lương Quốc Dũng – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, nay đã ngồi tù với những cuộc mua bán bệnh hoạn đó, cái trinh mua được chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm cho nhân cách trở nên bẩn thỉu và rách nát. Tôi nhớ, trong một tác phẩm của mình, nhà văn G. Marquez mô tả người đàn ông ích kỷ làm ra chiếc khóa để khóa “chỗ ấy” của vợ mình khi ông đi xa. Những cái khóa kỳ quặc như vậy có từ thời trung cổ. Sự chung thủy của người phụ nữ chỉ hình thành từ tình yêu với người chồng, với người tình, cho nên dù có sáng tạo ra ổ khóa điện tử vô hiệu hóa mọi chìa khóa vạn năng, cũng không ngăn được người phụ nữ ngoại tình, nếu họ muốn.

Chữ trinh làm khổ người phụ nữ ngàn đời nay. “Nước vỏ lựu máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập gọi là còn trinh” (Nguyễn Du), cho thấy từ thời ấy, người phụ nữ đã tìm cách “vá màng trinh” để đối phó! Ngày nay, với kỹ thuật giải phẫu hiện đại, màng trinh dễ dàng được vá lại nguyên xi mà không phải trả đến “ngàn vàng”. Vậy “nước vỏ lựu” hay “máu mào gà”, hay “vá màng trinh” chỉ là hình thức. Bản chất sự trinh tiết của người phụ nữ không hoàn toàn nằm ở cái màng mỏng tang vô tri đó.

“Chữ trinh cũng có năm ba bảy đường”

 Tự điển bách khoa toàn thư định nghĩa tiết hạnh: “Khái niệm Nho giáo chỉ đức tính nết na của người phụ nữ giữ tiết hạnh với chồng kể từ khi giao ước đính hôn...”. Đó là định nghĩa theo quan niệm phong kiến. Người phụ nữ ngày xưa, nếu chồng mất sớm, phải thủ tiết thờ chồng để được tiếng thơm là “tiết hạnh khả phong”. Thế cho nên mới xảy ra bi hài kịch của bà Phó Đoan, khoái Xuân tóc đỏ như điên mà vẫn mơ cái bằng “tiết hạnh khả phong”.


Người phụ nữ VN vốn nổi tiếng về lòng chung thủy. Đó là đức tính tốt, là truyền thống tốt đẹp có từ bao đời nay. Sự chung thủy, hết lòng lo cho chồng cho con. Đó mới là tiết hạnh của người phụ nữ hiện đại, chứ không phải việc còn trinh hay mất trinh. Tất nhiên chúng ta không cổ vũ lối sống buông thả, xem thường trinh tiết; không cổ vũ người phụ nữ phải “trải nghiệm” trước khi về nhà chồng, nhưng không thể chỉ coi lấy việc còn hay mất trinh làm thước đo đức hạnh.

Cuộc sống này không có điều gì tuyệt đối, cho nên “chữ trinh kia cũng có năm bảy đường” là điều dễ hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét